Nhìn gia đình dưới lăng kính của Bowen
Lý thuyết Hệ thống Cảm xúc Gia đình của Bowen xem xét gia đình như một đơn vị cảm xúc, dưới góc nhìn hệ thống.
Thuyết Hệ thống Cảm xúc Gia đình của Bowen
Lý thuyết Hệ thống Cảm xúc Gia đình của Bowen xem xét gia đình như một đơn vị cảm xúc, dưới góc nhìn hệ thống. Theo Bowen, các thành viên trong gia đình có một kết nối đặc biệt sâu sắc với nhau về cảm xúc. Sự kết nối này tạo nên tầm ảnh hưởng lớn của gia đình đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của các nhân trong gia đình. Mỗi cá nhân trong gia đình cố gắng thu hút sự chú ý, sự chấp thuận và hỗ trợ của các thành viên khác, đồng thời quan tâm và phản ứng với nhu cầu, kỳ vọng và sự bất ổn ở nhau, hình thành nên mối quan hệ tương thuộc: bao gồm cả sự độc lập và sự phụ thuộc với nhau. Vị trí chức năng của một thành viên ảnh hưởng lên niềm tin, giá trị, thái độ, cảm xúc và hành vi của thành viên đó, và ngược lại, quá trình cảm xúc ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của cá nhân. Các vị trí chức năng của các thành viên trong gia đình đối ứng và tương tác với việc định hình chức năng của thành viên khác và ngược lại. Ví dụ, việc thực hành chức năng của người vợ - sẽ định hình cách người chồng thực hiện chức năng của mình, ngược lại.
Một cá nhân chức năng quá mức (over-functioning) là người có cảm giác có trách nhiệm quá mức đến sự bình an cảm xúc của người khác, và hành động không ngừng để bù đắp sự thiếu hụt thực tế hoặc tưởng tượng trong nhận thức chủ quan của họ. Một cá nhân thiếu hụt chức năng (under-functioning) là người phụ thuộc vào người chức năng quá mức trong việc thực hiện các vai trò mà họ cảm thấy quá khả năng, hoặc miễn cưỡng. Ở mức cực đoan, cá nhân thiếu hụt chức năng có thể trông chờ cá nhân chức năng quá mức điều hướng hành vi, suy nghĩ và cảm xúc (Kerr & Bowen, 1988).
Kế thừa Thuyết Tiến hoá của Darwin, Bowen cho rằng Hệ thống cảm xúc gia đình phản ánh sự đối trọng của hai lực sống (life force, Kerr & Bowen, 1988): tính cá nhân và tính tập thể. Để duy trì sự tồn tại của các hệ thống con người, tính cá nhân và tính tập thể luôn cần sự cân bằng. Để sinh tồn, một cá nhân cần hướng sự chú ý đến nhóm của họ, đồng thời đến chính bản thân của mình. Sự cá nhân hóa là đối trọng của sự tương thuộc và sự cân bằng giữa các mối quan hệ. Khi sự khác biệt cá nhân suy giảm, tính cân bằng của mối quan hệ đó cũng suy giảm.
Quá trình cá nhân hóa
Sự cá nhân hóa, theo lý thuyết của Bowen, gắn liền với sự phát triển của cái tôi. Mỗi cá nhân đều bắt đầu sự sống bằng sự lệ thuộc. Một em bé sơ sinh phụ thuộc chính yếu vào người chăm sóc của bé, mà thường là người mẹ. Các trạng thái cảm xúc đầu tiên của trẻ hoàn toàn hòa lẫn với cảm xúc và trạng thái của người mẹ. Cả người mẹ và trẻ sơ sinh tự động phản hồi với nhau trong một tiến trình tự nhiên. Sự cá nhân hóa diễn ra song song với quá trình lớn lên của một người, khi đứa trẻ trưởng thành và dần dần tách biệt về mặt cảm xúc với năng lực suy nghĩ, cảm nhận và hành động cho chính mình. Tuy nhiên, nguồn lực sống còn lại là tính tập thể vẫn sẽ giữ cho đứa trẻ và gia đình của nó liên kết, tư duy, hành xử và cảm nhận như một thể. Do đó, không ai hoàn toàn đạt được mức độ tách rời tuyệt đối về mặc cảm xúc với gia đình.
Cấp độ mà một đứa trẻ - người con, có thể tách rời khỏi gia đình gốc của họ phụ thuộc vào hai yếu tố chính:
mức độ mà cha mẹ họ đạt được sự độc lập cảm xúc khỏi gia đình gốc trước đó của họ.
đặc trưng mối quan hệ của cá nhân đó với cha mẹ, anh chị và những mối quan hệ họ hàng quan trọng.
Trong một gia đình có khả năng cá nhân hóa thấp, sự căng thẳng về cảm xúc hoặc tính tập thể thường ngăn cản quá trình đứa trẻ có thể phát triển suy nghĩ, cảm nhận và hành vi tự chủ. Đứa trẻ thực hiện chức năng như một cơ chế phản ứng với thành viên khác, thay vì có mục đích, hay phản ánh mong muốn của chính mình.
Bowen phân mức độ cá nhân hóa của một người theo phổ từ 0 đến 100:
Một cá nhân có thể có mức độ cá nhân hóa thấp: không có khả năng phân định cảm xúc và suy nghĩ, hoặc tê liệt trong việc cảm nhận cảm xúc, có biểu hiện đòi hỏi và mức độ phản ứng mạnh đối với người khác, khó duy trì mối quan hệ dài hạn, mất nhiều năng lượng trong lo âu.
Một cá nhân đạt mức độ cá nhân hóa cao: hình thành sự độc lập về cảm xúc, tư duy và hành động, họ có khả năng lắng nghe, tiếp nhận quan điểm của người khác mà không phán xét hoặc phản ứng, hành động của họ hướng về mục đích của bản thân, thay vì bị ảnh hưởng bởi sự khen thưởng hoặc chỉ trích của người khác. Tôn trọng sự khác biệt, biết rõ phạm vi trách nhiệm cá nhân và có tư duy cởi mở.
Bộ ba
Một Bộ ba người là đơn vị cơ bản của hệ thống cảm xúc. Bộ ba cho phép phân tán sự lo âu trong một hệ thống lên ba kết nối nhỏ, và do đó có khả năng làm giảm tình trạng căng thẳng của một hệ thống, duy trì khả năng chịu đựng và tính linh hoạt của hệ thống hơn là mối quan hệ hai người. Mối quan hệ bộ ba có thể tiếp diễn xuyên suốt trong chiều dài đa thế hệ gia đình, khi một cá nhân trong bộ ba mất đi, một người khác sẽ thường điền vào chỗ trống của họ. Nhân vật có thể thay đổi, nhưng nguồn năng lượng và sự tương tác của bộ ba sẽ duy trì. Do đó, một đứa trẻ có thể phản hồi với những mâu thuẫn chưa được giải quyết để lại từ thế hệ ông - bà nó. Năng lượng của mối quan hệ bộ ba được quan sát thấy rõ nhất trong thời kỳ căng thẳng vừa phải. Trong một mối quan hệ bộ ba, luôn hình thành sự liên kết thoải mái hơn của hai người, tạo thành nhóm hai người trong cuộc (insiders) để lại một người kém thoải mái hơn (outsider). Nhóm người trong cuộc sẽ cố gắng điều chỉnh để giữ vị trí trong cuộc thoải mái, trong khi người ngoài cuộc sẽ cố gắng liên kết với 1 trong hai người kia để tìm thấy vị trí trong cuộc, giải tỏa sự bất an của mình. Do đó, hệ thống sẽ không bao giờ trạng thái tĩnh, mà luôn dịch chuyển trong sự tương tác của cả ba. Khi thất bại trong việc giữ mối quan hệ bộ hai trong cuộc thoải mái và cân bằng, những thành viên sẽ tìm cách dịch chuyển, ví dụ:
1 người trong cuộc không thoải mái (A) cố gắng kéo người ngoài cuộc (C ) vào cuộc bằng cách phàn nàn với người này về người còn lại (B).
Nếu người (C ) phản hồi với một thái độ đồng cảm và về phe với (A), sẽ hình thành một bộ hai trong cuộc thoải mái mới là (A-C), và làm cho (B) trở thành người ngoài cuộc.
(A) và (C ) sẽ cùng kết tội (B ) về vấn đề trong mối quan hệ giữa (A) và (B).
Một viễn cảnh khác cũng có thể xảy ra, với yếu tố then chốt chính là hình thành phe. Một người ngoài cuộc chủ động cũng có khả năng chen vào giữa mối quan hệ của hai người khi nhận ra sự không hòa hợp giữa bộ hai còn lại.
Ví dụ, như một đứa trẻ có mức độ cá nhân hoá kém có thể phản ứng với mâu thuẫn của bố mẹ bằng cách trở thành vấn đề của gia đình một cách vô thức hoặc có ý thức. Nhờ đó, nó thu hút sự chú ý của một trong hai phụ huynh hoặc cả hai người, và giảm sự căng thẳng mâu thuẫn của cả hai.
Trong một trường hợp căng thẳng vừa phải, quá trình dịch chuyển căng thẳng này có thể tạo ra một kết nối không thoải mái hoặc mâu thuẫn, và hai mối quan hệ tương đối thoải mái.
Trong trường hợp căng thẳng cao, vị trí được mong muốn và thoải mái nhất thường chính là vị trí ngoài cuộc. Mỗi cá nhân trong bộ ba sẽ tìm cách để đẩy hai người còn lại vào vị trí trong cuộc mâu thuẫn và chạy trốn khỏi căng thẳng.
Ví dụ, một người mẹ gặp khó khăn trong mối quan hệ với con sẽ tìm cách đẩy người cha vào xử trí với con, và do đó, thoát khỏi vị trí trong cuộc, nhường lại cho bộ đôi cha - con.
Mất chức năng của gia đình
Theo Bowen, có 4 nhóm triệu chứng của một gia đình hạt nhân mất chức năng
Tình trạng không khỏe mạnh của 1 trong 2 vợ chồng
Mâu thuẫn hôn nhân
Sự suy yếu ở một hoặc nhiều đứa con
Sự chia cắt về mặt cảm xúc giữa các thành viên
Biểu hiện mất chức năng của gia đình sẽ thể hiện khuôn mẫu giải tỏa lo âu chiếm ưu thế trong gia đình đó. Ví dụ, nếu một cặp vợ chồng có xu hướng ngoại hoá sự lo âu của họ lên mối quan hệ hôn nhân, họ sẽ hình thành mâu thuẫn hôn nhân (2). Nếu khuôn mẫu giải tỏa lo âu có xu hướng bồi dưỡng cho sự mất chức năng ở một cá nhân, trong thời kỳ căng thẳng tăng cao, triệu chứng gia đình hạt nhân sẽ được nhìn thấy ở những triệu chứng bệnh tật, không khỏe của một cá nhân vợ, chồng hoặc con. Triệu chứng cá nhân có thể được ở dạng vấn đề thể lý (đau ốm, suy nhược,…), vấn đề cảm xúc (tâm bệnh,…), hoặc vấn đề kết nối xã hội (chống đối, phạm tội,…).
Tài liệu tham khảo: Kerr, M., & Bowen, M. (1988). Family evaluation: An Approach based on Bowen Theory (1st ed.). W. W. Norton & Company, Inc.
Dịch và biên tập: May.